9X văn phòng mua nhà Hà Nội trước tuổi 30: Không du lịch, làm 2-3 việc
Trút bỏ bộ cánh công sở, vợ chồng chị Giang lại xắn tay làm bánh, khoác áo xe ôm công nghệ chở từng vị khách, chuyển từng chuyến hàng. Tất cả để phục vụ mục tiêu trả nợ vay mua căn hộ 2,3 tỷ đồng,
Hai vợ chồng cùng "cày cuốc", ngày chỉ ngủ 4-5 tiếng
Với nhiều người trẻ, 30 tuổi là cột mốc đánh dấu sự trưởng thành. Họ mong muốn hoàn thành các kế hoạch như ổn định công việc, lập gia đình, mua nhà ở.
Tuy nhiên, việc sở hữu một nơi an cư ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TPHCM - những nơi có mức sống đắt đỏ nhất cả nước là điều không dễ dàng.
Nhiều người trẻ mua nhà mà không nhận được sự hỗ trợ từ gia đình phải nỗ lực gấp đôi gấp ba, làm nhiều việc cùng lúc, thậm chí ngủ mỗi ngày chỉ 4-5 tiếng để có thời gian kiếm tiền mua nhà hoặc trả nợ.
Chị Nguyễn Giang (quê Phú Thọ) cùng chồng quyết định mua một căn hộ chung cư ở quận Hoàng Mai, Hà Nội năm 2018, khi chị 25 tuổi.
Chị Giang nhớ lại, có thời điểm, thức ăn một bữa của hai vợ chồng chỉ vỏn vẹn 10.000 đồng cá mắm bởi tất cả tiền bạc được chị dồn vào trả nợ nhà. Đổi lại sau mấy năm, căn hộ mua 2,3 tỷ đồng giờ đã có giá 4 tỷ đồng.
Kinh tế gia đình hai bên không mấy khá giả nên khi mua nhà, vợ chồng chị Giang gần như phải tự lực lo nguồn tiền.
"Nhờ được mua căn hộ qua suất ưu đãi của người quen, chúng tôi giảm được khoảng 700 triệu đồng. Tuy nhiên, trừ tiền hai vợ chồng có, chúng tôi phải vay ngân hàng 1 tỷ đồng (chia làm 2 khoản vay)", chị Giang chia sẻ.
Mỗi tháng, vợ chồng chị Giang phải trả số tiền cả gốc lẫn lãi khoảng trên 20 triệu đồng. Trước thời điểm dịch Covid-19 thu nhập của hai vợ chồng trên mức 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau dịch bệnh, kinh tế gia đình chị bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Để có tiền trả nợ, hai vợ chồng chị Giang xoay xở làm cùng lúc nhiều công việc. Vợ làm sự kiện truyền thông, bán bảo hiểm, làm bánh, bán nước vỉa hè buổi tối. Chồng chị Giang là lái xe cho một doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên sau giờ làm, anh lại khoác lên mình chiếc áo đồng phục chạy xe ôm công nghệ.
"Thu nhập giảm sút nhưng tiền lãi ngân hàng thì không thể chậm trễ. Vì vậy cứ có việc gì lương thiện kiếm ra tiền mà có thể làm là tôi đều nghĩ cách làm hết", chị Giang nói.
Thời điểm hiện tại, tuy đã trả hết nợ mua nhà nhưng vợ chồng chị Giang lại gánh thêm một khoản nợ mới do thua lỗ trong đầu tư. Vì vậy, họ vẫn gia tăng thu nhập bằng cách làm cùng lúc nhiều nghề để có tiền chi tiêu, nuôi 3 con và trả nợ.
Nhận thấy đồ ăn, thực phẩm đem lại nguồn thu nhập ổn định, thu lãi nhanh, chị Giang đã tập trung làm bánh, nấu lẩu bán cho những người dân sống trong chung cư và khu vực lân cận. Buổi sáng, chị mở quầy bán bánh mỳ, buổi chiều và tối bán đồ uống… Chồng chị Giang vẫn duy trì làm việc ở công ty và ngoài giờ thì chạy xe ôm hoặc ship hàng giúp vợ.
Chị Vũ Hoa Linh (28 tuổi, quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, thu nhập từ công việc chính thức của hai vợ chồng là khoảng 40 triệu đồng một tháng.
Tuy nhiên, nhờ cả hai đều giỏi ngoại ngữ nên họ tận dụng thế mạnh này để gia tăng thu nhập. Các công việc giúp hai vợ chồng chị Linh có tiền mua nhà mà không phải vay quá nhiều là: Dạy ngoại ngữ, viết báo, dịch sách, dạy gia sư…
Khi mua căn hộ 3 tỷ đồng, vợ chồng chị Linh vay khoảng 1 tỷ đồng. Khoản tiền từ việc làm thêm ngoài giờ giúp hai vợ chồng trả được phần lãi ngân hàng. Tuy nhiên, đổi lại, họ phải hi sinh thời gian cho con, nhiều khi chỉ ngủ 4-5 tiếng mỗi ngày.
Để có một nơi an cư ở Hà Nội, nhiều người trẻ phải nỗ lực gấp nhiều lần (Ảnh: Hồng Anh). |
Sáng làm công ty, tối đi bán áo mưa, lọ hoa
Chị Lê Thu Hoài (29 tuổi, quê Hưng Yên) và chồng anh Đỗ Duy Hưng (33 tuổi) mua căn hộ chung cư rộng 75m2 ở quận Long Biên năm 2020 với giá 1,4 tỷ đồng. Đến nay sau 4 năm, cặp vợ chồng chỉ còn nợ số tiền 100 triệu đồng.
Để rút ngắn được số nợ, hai vợ chồng chị Hoài cũng trải qua khoảng thời gian chật vật xoay xở nhiều cách khác nhau để tăng thêm thu nhập.
Chị kể: "Thời điểm chúng tôi mua nhà là cuối năm 2020 khi tôi 25 tuổi, chồng 29 tuổi. Lương của hai vợ chồng đều ổn định. Hai vợ chồng tôi vay 800 triệu và nghĩ với mức thu nhập của cả hai thì chỉ 2-3 năm sẽ trả xong nợ.
Chị Hoài gia tăng thu nhập bằng cách bán hàng buổi tối (Ảnh: Hồng Anh). |
Tuy nhiên, do dịch Covid-19, năm 2022 công ty tôi đóng cửa. Tôi phải xin việc mới mà công việc mới, lương chỉ bằng một nửa ở công ty cũ. Công ty của chồng không có việc nên chồng tôi ra ngoài thử sức làm một năm. Cả năm 2022, gia đình tôi không để được một đồng nào".
Chị Hoài không vay nợ ngân hàng mà vay người thân, bạn bè. Nhìn số nợ không thể trả đúng hẹn, chị Hoài vô cùng sốt ruột.
Chị Hoài bèn nghĩ ra cách đi nhập những món đồ gia dụng về bán lẻ ở chung cư. "Tôi nhập từ chiếc áo mưa, lọ hoa, móc treo quần áo, ô, dép… tới đồ ăn theo mùa rồi đăng tải lên nhóm chợ cư dân. Khi có người đặt hàng, tôi sẽ chuyển đến tận căn hộ cho họ. Mỗi đơn ăn lãi từ 5.000-15.000 đồng", chị Hoài nói.
Cứ như vậy, mỗi buổi tối, vợ chồng chị Hoài chia nhau đi ship (vận chuyển) đến từng căn hộ. Có những hôm họ có tới 30-40 đơn hàng. Nhờ vậy, mỗi tháng, chị Hoài có thể kiếm thêm đủ tiền mua thức ăn cho cả nhà và đóng một phần tiền học cho con. Thu nhập của hai vợ chồng dành phần lớn cho trả nợ.
"Nhìn chị em buổi tối được nghỉ ngơi, đi tập yoga, đi chạy bộ, tôi cũng ao ước lắm. Tuy nhiên, vì để trả hết nợ, tôi ưu tiên thời gian cho công việc ngoài giờ này", chị Hoài cho hay.
Từ đầu năm đến nay, công việc của chồng chị Hoài đã ổn định hơn. Anh Hưng cũng tranh thủ nhận thêm các công việc ngoài giờ để cùng vợ hoàn thành mục tiêu trả nốt 100 triệu đồng trong năm nay.
Thay vì son, hoa hay quà, chồng tặng vợ vàng để dành mua nhà
Ngoài làm thêm ngoài giờ, nhận thêm việc, chị Nguyễn Mai (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) cùng chồng tập trung vào cách quản lý thu nhập để có tiền mua nhà trước tuổi 30.
Chị Mai chia sẻ, vợ chồng chị mua căn hộ 3,6 tỷ đồng năm 2023 khi vợ 29 tuổi, chồng 32 tuổi. Chị Mai làm trong ngành ngân hàng, còn chồng làm về công nghệ thông tin. Từ ngày cưới nhau, họ đề ra nguyên tắc một tháng chỉ tiêu 20%-25% tổng thu nhập.
Ngoài ra, chị Mai còn áp dụng cùng lúc nhiều biện pháp khác để số tiền tiết kiệm ngày một tăng.
Chị kể: "Khi có lương, chúng tôi trích một phần cho vào tài khoản tiết kiệm. Thời gian trước, tôi thuê nhà ở khu tập thể với giá 8-8,5 triệu đồng/3 tháng. Tiền điện nước tính theo giá nhà dân khoảng 700.000-800.000 đồng, gửi xe 400.000 đồng".
Căn hộ ấm cúng của vợ chồng chị Mai (Ảnh: Hồng Anh). |
Từ khi mới cưới đến lúc có con, vợ chồng chị Mai đều hạn chế đi ăn ngoài hàng quán. Bữa sáng, bữa tối ăn cơm ở nhà, buổi trưa nấu cơm mang theo. Cả hai không tự đi du lịch mà tranh thủ đi theo chương trình nghỉ mát của cơ quan (được tài trợ một phần, bỏ tiền túi một phần).
Chị Mai chỉ mua đồ dùng cá nhân, mỹ phẩm ở mức cơ bản, hàng bình dân. Dịp kỉ niệm hay lễ như 8/3, 20/10, sinh nhật…. thay vì son, giày dép, chị Mai đề nghị chồng tặng 0,5, 1 hoặc 2 chỉ vàng.
Theo kinh nghiệm của bản thân, chị Mai cho rằng: "Để đề phòng rủi ro khi mua nhà có vay nợ, các gia đình cần lưu ý tiền trả gốc lẫn lãi hàng tháng chỉ nên bằng 30% tổng thu nhập cả tháng. Tìm mua nhà có tính thanh khoản tốt hoặc có khả năng tăng giá, nếu lỡ thu nhập giảm sút, không gánh được lãi vay, mỗi gia đình có thể tính đến phương án bán nhà mà vẫn dư được phần vốn tự có ban đầu".
Chị Mai là một trong số nhiều người trẻ chấp nhận vay lãi để có thể sở hữu một ngôi nhà ở Hà Nội trước tuổi 30.
Theo Báo cáo về xu hướng và tâm lý người tiêu dùng bất động sản (CSS) của Batdongsan, người trẻ ngày nay có xu hướng sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản cao hơn so với thế hệ trước. Theo đó, tỷ lệ người 22-29 tuổi lựa chọn vay mua nhà lên đến 75%, trong khi tỷ lệ này ở những người trên 30 tuổi là 68%.
Vợ chồng chị Mai an tâm vì đã có được một căn hộ ở Thủ đô như mong ước (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Dù vay nợ nhưng với thu nhập, kế hoạch chi tiêu hiện tại, vợ chồng chị Mai dự kiến sẽ trả hết khoản nợ trong vòng 5 năm tới.
Năm 2023, nghiên cứu về thị trường bất động sản của NetCredit - nền tảng thuộc Enova International (công ty công nghệ có giá trị vốn hóa hơn 1,5 tỷ USD tại Mỹ) - cho biết, Hà Nội thuộc nhóm các thủ đô khó mua nhà nhất trên thế giới.
Vì vậy các chuyên gia tài chính cho rằng, mỗi cá nhân cần tìm hiểu kiến thức về thị trường, nên cẩn trọng, chuẩn bị tài chính rõ ràng trước khi quyết định mua nhà, tính toán đến giai đoạn lãi suất thả nổi.
"Tùy nguồn thu mà quyết định hình thức mua. Nếu có thu nhập cao trừ các chi phí thiết yếu mà tiền còn dư nhiều thì mới tính đến phương án mua nhà hợp lý cho mình", chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nói.
Đăng nhận xét