Khi nào Cục Đường bộ sửa phần mềm mô phỏng lái xe?

Trước phản ánh về bài thi mô phỏng lái xe gây khó khăn và không sát thực tế, Cục Đường bộ Việt Nam đã chỉ đạo điều chỉnh lại phần mềm, dự kiến chuyển giao cho các Sở GTVT trong tháng 1.


Trao đổi với phóng viên Dân trí, lãnh đạo Cục Đường bộ Việt Nam cho biết đã nắm được thông tin phản ánh từ các sở GTVT, trường đào tạo và học viên về bất cập trong bài thi mô phỏng các tình huống giao thông. 

Thay phần mềm mô phỏng mới trong tháng 1

"Chúng tôi đã nắm được thông tin phản ánh và đang trong quá trình điều chỉnh lại, viết lại phần mềm ứng dụng. Cố gắng nỗ lực để phù hợp, nâng cao chất lượng sát hạch", lãnh đạo Cục Đường bộ khẳng định.

Giao diện phần mềm mô phỏng lái xe.

Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản giao Phòng Quản lý phương tiện và người lái rà soát, xây dựng lại phần mềm, phối hợp với cơ quan chức năng điều chỉnh một số tình huống phù hợp thực tế, điều chỉnh thời gian nhận biết tình huống nguy hiểm để người học dễ dàng tiếp thu, xử lý.

Phần mềm điều chỉnh sẽ được tập huấn, chuyển giao cho các Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch vào đầu tháng 1/2024.

Bài thi sát hạch lái xe bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông có lệ phí 100.000 đồng/thí sinh, là một trong 4 bài thi mà học viên lái ô tô phải vượt qua để được cấp bằng lái.

Thí sinh tốn 100.000 đồng kèm chi phí đi lại sau mỗi lần thi trượt phần thi mô phỏng (Ảnh: Ngọc Tân).

Trong bài thi mô phỏng, thí sinh sẽ nhìn tình huống được phát trên màn hình và nhấn phím cách (space) khi khoảnh khắc nguy hiểm xuất hiện. Thí sinh nhấn space đúng khoảnh khắc sẽ được điểm tối đa (5 điểm) và số điểm giảm dần về 4, 3, 2, 1 khi bấm trễ hơn.

Chỉ cần khoảnh khắc nhấn space lệch ra khỏi phổ điểm trên (bấm quá chậm hoặc quá sớm), thí sinh sẽ bị 0 điểm.

Theo báo cáo của các Sở GTVT, tỷ lệ học viên đạt yêu cầu nội dung sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông đạt gần 80%. Sở GTVT TPHCM cho biết phần thi lái xe trên phần mềm mô phỏng là nguyên nhân chính khiến thí sinh thi trượt bằng lái.

Bài thi có đáp án trước, không phải thi "phản xạ"

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Cục Đường bộ), cho biết phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông giúp người học nhận biết, phát hiện tình huống mất an toàn thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn; phần mềm được soạn trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tại Anh, Australia, Nhật, Singapore…

Trước ý kiến cho rằng lái xe giỏi, lâu năm khi làm bài thi mô phỏng vẫn bị trượt vì bài thi không sát thực tế, ông Thống khẳng định bài thi được thiết kế không phải để kiểm tra phản xạ, cũng không phải là kiểm tra xử lý tình huống.

"Đây là bài thi giúp nhận biết tình huống mất an toàn giao thông. Thí sinh chỉ nhận biết được và được tính điểm khi tình huống xuất hiện", lãnh đạo Phòng Quản lý phương tiện và người lái chia sẻ.


Tuy nhiên, theo kinh nghiệm thực tế, học viên thường phải tham khảo đủ 120 tình huống mô phỏng và xem trước các đáp án để biết khoảnh khắc nào cần nhấn phím space. Nếu không học mà chỉ tự tin vào khả năng "nhận biết tình huống" của mình, thí sinh vẫn có thể thi trượt.

Bài thi mô phỏng bị nhiều người đánh giá là nặng về kỹ năng "ghi nhớ đáp án" hơn là kỹ năng "nhận định tình huống". Bản thân các đáp án cũng gây tranh cãi do được cài đặt theo ý tưởng chủ quan của người ra đề.

Việc phải ghi nhớ đáp án và bấm space kịp thời để thi đỗ khiến nhiều người đặt câu hỏi về giá trị thực tiễn của bài thi mô phỏng này. Trên mạng Internet xuất hiện tràn lan những mẹo học vẹt để vượt qua phần thi này.



Tags: Xã hội

Đăng nhận xét

Tin liên quan