Bali chỉ là 'thiên đường giữa nhân gian'? Cô gái Tây phương tới đây lấy chồng tiết lộ những sự thật 'không như quảng cáo' của hòn đảo này
Để hiểu được một địa điểm, bạn phải thực sự đến và sinh sống ở đó, như câu chuyện của blogger Veronika với đảo Bali tại Indonesia vậy.
Với dân đam mê du lịch, Bali (Indonesia) đã luôn nằm trong danh sách "nhất định phải trải nghiệm", bởi nơi đây nổi tiếng với vẻ đẹp tựa thiên đường. Bất kỳ ai khi đến Bali đều sẽ choáng ngợp bởi những bãi biển trong xanh, những vườn hoa lung linh thơm ngát, và những loài vật cực kỳ đa dạng.
Nhưng ở đâu cũng vậy, muốn thật hiểu về một địa điểm, bạn phải thực sự đến đó sinh sống, giống như cách cô gái Veronika - một blogger du lịch đã trải nghiệm. Cô tới Bali lập gia đình, và đã có cơ hội chiêm ngưỡng hòn đảo này với những góc nhìn khác.
Cô gái Tây phương đẹp tuyệt trần
Xin chào, tôi là Veronika và tôi sống ở Bali. Ồ không, tôi không đến đây để tắm biển, để lướt sóng, nói chung không phải là du lịch. Thực ra thì khi tới Indonesia, tôi đã làm mất hộ chiếu và mắc kẹt ở đây một thời gian. Thế rồi tôi gặp Ino - anh chồng tương lai, cũng là người bản địa ở Bali. Chúng tôi cưới nhau, và giờ đã có một cậu con trai.
Ở quê nhà, tôi chỉ là cô gái bình thường thôi, nhưng theo tiêu chuẩn của người Bali thì đẹp tuyệt trần. Dáng người tôi nhỏ nhắn, khá phù hợp với chuẩn chiều cao và cân nặng của người bản địa (dù vẫn cao hơn đa số phụ nữ ở đây). Mà quan trọng nhất vẫn là cái mũi. Người Bali cực kỳ ngưỡng mộ chiếc mũi to, cao và dài, của tôi.
Nhưng cũng với tiêu chuẩn của người bản địa, tôi lại chẳng phải vợ hiền. Một người vợ chuẩn tại Bali sẽ phải lau nhà, giặt đồ mỗi ngày, phải giữ mọi loại vải được là lượt thẳng thớm - từ ga giường, khăn tắm cho đến... đồ lót cũng không ngoại lệ. Ngoài ra, nếu một bộ đồ không có mùi thơm như hoa, nó sẽ được xem là "đã bẩn" và phải đi giặt lại. Vậy nên, cần phải chú ý xịt lên đồ đã giặt một chút nước hoa đặc biệt.
Cách giáo dục độc nhất: trẻ con được phép làm bất kỳ điều gì
Người Bali cực kỳ yêu trẻ con. Đó là lý do vì sao lũ trẻ có thể mặc sức chạy nhảy, hò hét, thậm chí là nghịch đồ trong siêu thị. Vấn đề nằm ở chỗ, chẳng hạn khi một đứa trẻ không may phá hỏng đồ trong trung tâm thương mại, các nhân viên lại chỉ nói: "Không sao đâu!" kèm một nụ cười. Cơ mặt thì chẳng chút biến đổi, không hề tức giận.
Có khá nhiều quan niệm kỳ quặc về trẻ con tại Bali. Chẳng hạn, lũ trẻ không được phép chạy lông nhông mà không mặc gì khi ở nhà, vì họ cho rằng chúng có thể bị ốm. Ngoài ra, trẻ con không được nghịch đất, không được ngồi bệt ra đường, cũng không được mặc đồ bẩn ra ngoài.
Trong một diễn biến khác, trẻ con Indonesia lại được ăn bất kỳ thứ gì chúng thích. Từ chocolate, khoai tây chiên, bánh snack, kem, cho đến những ly trà ngọt lịm, tất cả đều thoải mái. Mà đó mới chỉ là một phần nhỏ trong số những thứ thằng nhóc 1 tuổi của tôi đã được ăn. Họ hàng nhà chồng tiếp tế đồ ăn liên tục cho thằng bé. Khổ nỗi, chẳng ai hỏi ý kiến cha mẹ lũ trẻ trước khi đưa cho chúng đồ ăn. Đây là một vấn đề khá lớn ở quê hương tôi, nhưng tôi cũng chẳng thể làm gì để thay đổi cả.
Ẩm thực kỳ lạ
Có một chi tiết khá thú vị trong cách ăn uống tại Bali: họ thường ăn những loại trái cây chưa chín, thậm chí là còn xanh. Chẳng hạn, họ dùng xoài xanh để làm salad, hoặc cho trái cây chưa chín vào món thịt hầm.
Chưa hết đâu, còn một chuyện thường xuyên xảy ra khi ăn uống tại nhà hàng. Đó là dù bạn có căn dặn bồi bàn làm một món không cay, bạn vẫn sẽ phải mất khoảng 15 phút để nhặt từng miếng ớt ra ngoài. Không phải vì họ vô tâm hoặc tắc trách, mà do quan niệm về sự cay của chúng tôi khác nhau. Với người Bali, một số loại ớt không thể xem là cay, dù với người không quen ăn cay thì vẫn cứ là ác mộng.
Người Bali cũng không có thói quen trữ đồ ăn trong tủ lạnh. Thứ duy nhất họ cất trong đó là vài chai nước khoáng, một ít thịt cá tươi, vậy thôi.
Nguồn thu chính lại đến từ người bản địa, không phải khách du lịch
Ở Bali, có rất nhiều người đi bán vòng tay, kính mắt, đồ ăn và nhiều thứ khác nữa. Tuy nhiên, nguồn thu của họ không phụ thuộc vào du khách - ít nhất là theo cảm nhận của tôi, bởi khách hàng chủ yếu lại là dân địa phương. Cũng dễ hiểu, không phải du khách nào cũng muốn ăn thử một món mà họ chẳng biết gì về nó. Người bản địa thì khác, họ biết nó ngon, và họ sẽ ăn.
Một tối nọ, tôi và chồng đi dạo trên bãi biển, và một anh hàng rong đến chào mời chúng tôi một số món lưu niệm trông khá tệ. Tôi thì chẳng muốn bắt chuyện, nhưng chồng thì lắng nghe rất chăm chú, rồi quyết định xuất tiền mà chẳng buồn mặc cả. Anh bảo, với những người đang lao động để kiếm sống, chúng ta cần hỗ trợ họ.
Mức thu nhập khoảng 300 USD (gần 7 triệu đồng) là bình thường tại Bali, còn 700 đô (hơn 16 triệu đồng) là cao lắm rồi. Người Indonesia chỉ có 12 ngày nghỉ trong năm. Phụ nữ được nghỉ thai sản trong 3 tháng, và được nhận khoản trợ cấp khoảng 220 đô mỗi tháng. Ngoài ra, lao động được nghỉ thêm 3 ngày nếu làm đám cưới hoặc gia đình có tang.
Cuộc sống tại Bali có rất nhiều điều bất ngờ, và cả khó khăn nữa
Đó là những gì tôi nhận ra sau một khoảng thời gian sinh sống tại Bali. Chẳng hạn, mọi người sẽ mặc quần áo khá ấm khi đi ra ngoài, dù nóng bức đến mức nào. Nguyên nhân là bởi cái nóng của Bali là rất gắt, có thể khiến da bị cháy nắng, đặc biệt là trong tình cảnh tắc đường. Nhưng lúc di chuyển, gió biển lại có thể khiến bạn lạnh, nên họ thường khoác một chiếc áo mỗi lần ra ngoài.
Ở Bali, các loại hình làm đẹp như nối mi, spa... không phổ biến lắm, ngoại trừ massage. Bạn có thể thấy các cơ sở massage ở khắp mọi nơi.
Một điểm khá thú vị là mỗi năm 1 lần, toàn bộ các cơ sở giải trí và kinh doanh tại Bali sẽ đóng cửa - bao gồm quán cafe, cửa hàng, hiệu thuốc... Ngoài đường chẳng có ai, không xe đạp cũng chẳng taxi. Sân bay cũng đóng cửa, toàn bộ chuyến bay bị hủy bỏ. Đó là "ngày im lặng" để đón năm mới tại Bali, và nó thường xảy ra không cùng thời điểm với thế giới. Như năm 2020, ngày im lặng rơi vào ngày 25/3.
Dĩ nhiên, cuộc sống tại Bali cũng có nhiều khó khăn, đặc biệt là về tâm lý. Chế độ phụ hệ ở đây là khá khắc nghiệt. Ngoài ra thì còn động đất, và thời tiết thì quanh năm đúng 1 mùa. Trước khi đến đây, tôi chẳng bao giờ nghĩ có ngày mình sẽ nhớ về những tháng mưa rả rích ở quê nhà chứ.
Vì lí do này, rất ít người chuyển tới Bali để định cư. Thường là chỉ 1 - 2 năm, và trong mùa đông là chủ yếu. Cuộc sống tại Bali có rất quy tắc và nghi lễ, đôi khi còn khá kỳ quặc. Dẫu vậy, điều quan trọng nhất là bạn có thể chọn sống theo cách mình muốn mà chẳng bị ai ngăn cản, miễn là không phạm pháp thôi.
Đăng nhận xét